Câu đằng hay còn gọi Dây móc câu, Dang quéo, Móc ó, Vuốt… là dược liệu có tác dụng hạ huyết áp, điều hòa rối loạn lipid máu, chủ yếu là triglycerid.
Theo cuốn sách “Một số cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác” của Dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (tháng 2.2021), do ThS-BS Nguyễn Đình Thục – Tổng Thư ký Hội Đông y Việt Nam – giới thiệu, thì Câu đằng là 1 trong số 23 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác.
Câu đằng có tên gọi khác là Dây móc câu, Dang quéo, Móc ó, Vuốt… Tên khoa học là Uncaria rhynchophylla (Miq.) Jacks.
Họ thực vật: Cà phê- Rubiaceae.
Đặc điểm hình thái là cây bụi mọc dựa, có thân và cành vươn dài; cành non và ngọn có tiết diện vuông, có lông nhỏ; ở các mấu của thân và cành có gai lớn dạng móc cong, mọc ra từ kẽ lá.
Lá có cuống ngắn, mọc đối; lá kèm sớm rụng; phiến lá hình bầu dục, nhọn đầu, kích thước 7-12 x 3-7 cm, màu xanh, mặt trên nhẵn bóng.
Cụm gồm nhiều hoa, tụ tập thành hình cầu, mọc ở đầu cành và kẽ lá gần đầu cành. Đài nhỏ hình chén, 5 răng. Tràng hoa hình ống, màu hồng nhạt, miệng xẻ thành 5 thùy tròn. Nhị 5, đính ở ống tràng, Bầu có cuống dài vượt khỏi ống hoa. Quả nang, hình thuôn dẹt. Hạt nhiều, nhỏ, có cánh.
Một số loài Câu đằng khác (Uncaria macrophylla Wall. ex Roxb.; U. pedicellata Roxb.; U. homomala Miq.) cũng được dùng.
Mùa hoa quả: Kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9.
Câu đằng được thu hái vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu. Cách thu hái: Dùng dao hay kéo cắt cành, cắt lấy đoạn cành ngắn có 2 móc câu hai bên, sau đem phơi hay sấy khô.
Phân bố và sinh thái: Ở Việt Nam, Loài Câu đằng trên, mới thấy phân bố ở một số điểm thuộc vùng núi có độ cao khoảng 1.000m trở lên: Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai); Quản Bạ (Hà Giang), Kỳ Sơn (Nghệ An)… Trên thế giới loài Câu đằng này ghi nhận có ở Trung Quốc, Lào…
Câu đằng là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Cây thường mọc ở ven rừng ẩm, xen với các loại cây bụi hay cây gỗ nhỏ khác ở rừng thứ sinh. Cây ra hoa quả hàng năm.
Tái sinh tự nhiên bằng hạt và mọc cây chồi từ gốc còn lại sau khi bị chặt phá. Có thể trồng được bằng hạt và cành giâm (có dùng chất kích thích ra rễ).
Bộ phận dùng: Phần móc câu của cành, đã phơi khô (Ramulus Cum Unco Uncariae).
Thành phần hóa học: Hai alcaloid quan trọng nhất được xem như hoạt chất là rhynchophylin và isorhynchophylin.
Liều nhỏ rhynchophylin đã có tác dụng gây hưng phấn trung khu hô hấp, làm giãn mạch máu ngoại biên, gây hạ huyết áp, lãm giãn vi huyết quản.
Các alcaloid trong Câu đằng được sắp xếp theo các nhóm:
Nhóm oxindol gồm rhynchophylin, isorhynchophylin, corynoxein, isocorynoxein.
Nhóm corynan gồm corynanthein, dihydrocorynanthein, hissutein và hirsutin.
Nhóm oxayohimban gồm akumigin, strictosamid và rhynchophin.
Công dụng: Dùng trong các trường hợp đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, sốt cao, kinh giật. Tính vị, quy kinh: Cam, lương. Vào kinh Can, Tâm bào.
Tác dụng: Bình can, tức phong, trấn kinh.
Liều lượng, cách dùng: 12 – 16 g/ngày, sắc không quá 10 phút.
Thận trọng khi dùng cho người không có phong nhiệt, thực nhiệt.
Câu đằng là dược có tác dụng hạ huyết áp, điều hòa rối loạn lipid máu, chủ yếu là triglycerid.
Liên hệ để đặt mua: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC LIỆU BÔNG SEN VÀNG
Trụ sở: Hùng An, Bắc Quang, Hà Giang, Việt Nam
Điện thoại: 0868.405.111
Văn phòng đại diện: LK05-05, KĐT An Hưng, đ.Tố Hữu, p.La Khê, Hà Đông, Hà Nội
Điện thoại: (024) 66.557.666
Website: traduocbongsenvang.com
Fanpage: facebook.com/traduocbongsenvang