Trên hành tinh của chúng ta có một loại thực vật thần kỳ mang tên “Trà”. Nó dường như không có tác dụng gì cả, không thể ăn no bụng mà cũng không thể chống lạnh. Tuy nhiên thực tế, đó là do bạn chưa hiểu hết về trà.

Khi sốt ruột, tức giận mà uống một chén trà thì hỏa khí liền tiêu tan, nếu uống lúc đang vò đầu bứt tai thì linh cảm liền đến. Bởi vậy có thể thấy được trà có linh tính, mà cũng có thần tính.

Đáng tiếc là phàm phu tục tử không hiểu được điều này, cho dù hiểu được cũng không nhất định có thể yêu thích trà. Tại sao lại vậy? Bời vì uống trà cũng cần có điều kiện. Đầu tiên phải ăn no, tiếp theo cần có thời gian rỗi rãi, nếu gặp phải chiến tranh loạn lạc thì ngay cả tính mạng cũng khó bảo toàn, làm sao còn tâm sức mà uống trà.

Vi sao nên uống trà triều Tống?

Những lời giản dị nhưng rất có kiến giải ở trên chính là do Tống Huy Tông Triệu Triết nói. Đây là một đoạn lời tựa trong kiệt tác “Đại Quan trà luận” do ông viết. Tất nhiên, cuốn sách này là tác phẩm văn cổ, những câu ở trên đã được chuyển sang bạch thoại. Tống Huy Tông còn nói: Từ khi Đại Tống lập quốc, thời đại thịnh hành uống trà đã đến rồi.

Thứ nhất, trà ngon trong thiên hạ lớp lớp xuất hiện. Thứ hai, người dân an cư lạc nghiệp. Thứ ba, công nghệ sản xuất trà và  đạo thưởng thức trà vượt xa bất kỳ triều đại nào trong quá khứ. Bởi vì Tống triều có đủ 3 ưu thế lớn này cho nên trà nhân vào triều Tống đặc biệt nhiều, trà phong cũng vô cùng hưng thịnh, từ văn võ bá quan cho tới dân thường hầu hết đều thích uống trà.

Không riêng uống trà, Tống triều còn lưu hành đấu trà, các thư sinh tụ họp tại một chỗ, xách theo ấm trà thi đấu, đấu xem nước trà của ai có mùi hương tinh thuần nhất, trà cụ của ai tinh xảo nhất, ai có kỹ thuật cao thâm nhất. Nếu một người không uống trà, hay một gia đình không cất giữ trà thì quả thực rất xấu hổ không dám ra ngoài.

Sau những lời trên của Tống Huy Tông, lại lật xem bút ký, nhật ký, thư tín, thi từ, thoại bản, hí khúc, do người triều Tống lưu lại sẽ phát hiện ông không hề khoác lác, đều giảng sự thật. Người dân triều Tống bất luận là giải sầu, đi thăm viếng họ hàng, gặp mặt bạn bè, xây nhà đắp phòng, hay đàm hôn luận gả, đều không thể thiếu trà. Người dân thời đó thích trà đến mức gọi quán ăn chay là “trà phần chay”, gọi chi phí nhỏ là “tiền trà nước”, xem việc ăn uống thường ngày là “cơm trà”, cũng đặt cho phục vụ trong tiệm cơm một tên gọi khá khí phái: Tiến sĩ tửu lượng nước trà.

Trà phong hưng thịnh đến mức này, trà nhân triều Tống tự nhiên khó tránh khỏi kiêu ngạo một chút.

Trong lịch sử Trung Quốc, trà sư nổi tiếng nhất hẳn là Lục Vũ? Ông là người triều Đường, được người đời sau tôn là “Trà thánh”, đây là một trong mười vị thánh trong lịch sử Trung hoa. Trà nhân từ xưa đến nay đều xem Lục Vũ là ông tổ ngành trà, thế nhưng người triều Tống lại không coi ông là gì.

Thái Tương, một đại thân thời Bắc Tống nói trong cuốn “Trà lục” rằng: Khi Lục Vũ pha trà, nấu nước sôi ùng ục, bọt sủi lên như mắt cua, cách làm này không đúng. Một khi nước sủi bọt to như mắt cua, tức là đã bị nấu quá già rồi, liền không thích hợp pha trà nữa.

Tiến sĩ Hoàng Nho thời Tống Nhân Tông nói trong “Phẩm trà yếu lục”: Giả như Lục Vũ sống lại, nếm thử trà bánh thượng hạng mới xuất hiện trong triều đại này, thể nghiệm thoáng qua hương trà thuần hậu nhu mềm này, ông nhất định sẽ buồn rầu, hối hận chính mình sao lại sinh ra sớm mấy trăm năm.

Nhà bình luận Hồ Tử cũng là người đời Tống trong cuốn “Điều Khê ngư ẩn tùng thoại” viết: Lục Vũ lấy những điều mà ông tự cho là hiểu biết về trà, trong “Trà kinh” nói rất nhiều loại mà ông nghĩ là trà ngon, kỳ thực ông nơi nào đã phẩm qua trà ngon đây? Lấy các loại trà trong “Trà kinh” ra so với triều đại này, nhiều nhất cũng chỉ là vài loại trà dân gian có phẩm cấp không cao mà thôi!

Sở dĩ những người này dám cả gan xem thường Lục Vũ, cũng không phải vì họ thông minh hơn Lục Vũ, mà là vì họ may mắn sinh ra vào triều Tống. Quốc lực của triều Tống chưa chắc đã cường thịnh hơn triều Đường, nhưng trà thời Tống lại chắc chắn được xem trọng hơn trà thời Đường rất nhiều, thậm chí còn được xem trọng hơn cả trà hiện nay.

Người triều Đường uống trà là “trà sắc thuốc”: Lá trà sao khô rồi nghiền nát, sàng thành bột mịn, cho thẳng vào nồi nước nấu sôi ùng ục là thành trà thang. Nồi nước trà này rất thơm, nhưng vị rất khổ, quả thực giống như thuốc. Để giảm vị đắng, hay nói đúng hơn là áp chế vị đắng, người triều Đường sẽ cho thêm muối, gừng, hoa tiêu, hồ tiêu, quả óc chó, kết quả lại khiến thuốc biến thành canh.

Người hiện đại uống trà là “trà pha”: Cho trà vào ấm hoặc chén trà, đổ nước nóng trực tiếp vào ngâm đến khi lá trà nở ra mới uống, uống xong bỏ lá trà đi. So với trà thang triều Đường, trà thang thời nay không còn đắng như vậy, nhấp một ngụm nhỏ, lưỡi sinh tân dịch, răng má sinh hương, vị ngọt hồi lâu, cho dù đắng cũng là trước đắng sau ngọt, giống như mọi chuyện trên đời, trước phải chịu khổ, chịu khó thì sau mới có quả lành.